Đô thị của 13 hoàng triều

    Tây An là một trong những đô thị cổ nhất ở Trung Quốc, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây. Thành phố có lịch sử hơn 3.100 năm này là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà gắn liền với những nhân vật làm nên lịch sử Trung Quốc như Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng, Võ Tắc Thiên…

    Hàng ngàn tượng binh lính bằng đất nung đã được khai quật. Ảnh: chinalandscapes.com

    Tây An là một trong những đô thị cổ nhất ở Trung Quốc, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây. Thành phố có lịch sử hơn 3.100 năm này là cái nôi của nền văn minh lưu vực sông Hoàng Hà gắn liền với những nhân vật làm nên lịch sử Trung Quốc như Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng, Võ Tắc Thiên…

    Tây An xưa là Trường An - một trong 4 kinh đô lớn trong lịch sử Trung Hoa, ghi dấu những thay đổi mang tính bước ngoặt trong lịch sử. Mười ba vương triều Trung Quốc là Tây Chu, Tần, Tây Hán, Tùy, Đường, Minh... đã đóng đô ở đây nên Tây An trải qua ngàn năm là một kinh đô hoa lệ, phố hội tấp nập với những đền đài, lăng tẩm hoành tráng. Tây An còn là điểm kết thúc phía Đông của Con đường tơ lụa huyền thoại. Danh tiếng của Tây An có thể sánh ngang với Thủ đô Athens của Hy Lạp, Cairo của Ai Cập và Rome của Ý. Hiện nay Tây An là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Trung Quốc, có lăng mộ Tần Thủy Hoàng, Binh Mã Dũng, Minh Tường Thành cùng nhiều thắng cảnh khác nổi tiếng thế giới.

    Khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng cách thành phố Tây An 35 km về phía Đông. Khu lăng mộ nằm bên sông Vị, tựa lưng vào núi Ly Sơn. Theo quan điểm về địa lý phong thủy, địa thế từ Ly Sơn đến Hoa Sơn có hình dạng một con rồng, khu lăng mộ nằm tại mắt rồng. Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế có công thống nhất Trung Hoa, lên ngôi vua lúc 13 tuổi. Khi vừa lên ngôi, ông đã bắt đầu cho xây lăng mộ. Công trình xây dựng suốt 37 năm mới hoàn thành. Lăng mộ Tần Thủy Hoàng có quy mô to lớn, hùng vĩ. Tương truyền, lăng mộ chu vi khoảng 2.000 mét, cao hơn 100 mét, do tác động của thời gian, mưa gió lăng mộ hiện chỉ còn cao khoảng 47 mét. Trong lăng, ngoài ngôi mộ khổng lồ trên mặt đất được coi là của Tần Thủy Hoàng, cùng những kiến trúc bề thế và nhiều hầm mộ tùy táng, còn có một cung điện dưới lòng đất. Theo Tư Mã Thiên – một nhà sử học lỗi lạc nhà Hán, mộ Tần Thủy Hoàng đào vào trong lòng núi rất sâu, rót nước đồng đun chảy làm nền móng, bên trong đặt quan quách đúc bằng đồng. Trong mộ cũng có cung điện và chỗ ở của văn võ bá quan, chứa nhiều báu vật. Để đề phòng bọn trộm đào mộ, bên trong đặt nhiều máy bắn tên và ám khí. Trên trần nhà của gian phòng trung tâm trong cung điện gắn nhiều ngọc trai và châu báu tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú trên bầu trời. Dưới nền đất đào nhiều mô hình sông rất lớn tượng trưng cho Hoàng Hà và Dương Tử, cùng nhiều hồ và biển, sau đó đổ thủy ngân xuống. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý. Dòng thủy ngân chuyển động không ngừng đổ từ sông vào biển nhờ cơ chế của máy móc. Cung điện dưới đất được thắp sáng vĩnh cửu bởi những ngọn đèn làm bằng mỡ cá voi. Ngày nay, những ghi chép trong sử ký của Tư Mã Thiên đang dần được sáng tỏ qua các hiện vật khảo cổ khai quật được. Tuy vậy, đến nay lăng Tần Thủy Hoàng vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá.

    Cách lăng 1,5 km là 4 hầm Binh mã dũng bằng đất nung, được người ta mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Đường hầm Binh mã dũng số 1 được khai quật năm 1974 dài 230 mét chứa khoảng 8.000 tượng quân sĩ phân bố trong 11 dãy, mỗi dãy rộng hơn 3 mét với nền được lát gạch và trần bằng gỗ, trên phủ chiếu bằng lau sậy và nhiều lớp đất sét chống thấm nước. Hầm được đắp đất lên cao khỏi mặt đất 2 đến 3 mét. Đường hầm số 2 chứa đội quân với chiến xa; đường hầm số 3 có nhiều tượng tướng chỉ huy cùng một cỗ xe ngựa. Đường hầm số 4 vẫn chưa xây dựng xong. Tổng cộng có trên 8.000 tượng binh lính, 100 cỗ xe ngựa, 400 tượng ngựa và 300 chiếc yên ngựa của kỵ binh. Những tượng binh lính và ngựa đứng oai nghiêm, xếp hàng rất trật tự thể hiện tiềm lực quân sự hùng mạnh của nhà Tần. Các bức tượng vô cùng sống động, cao từ 1,8 đến 1,95 mét có kiểu tóc, trang phục, vũ khí khác nhau. Tượng tướng chỉ huy cao nhất. Mỗi bức tượng đều có nét mặt riêng, rất sinh động. Năm 1975, Trung Quốc đã thành lập một bảo tàng rộng 16.300 m2 ngay bên trên các hầm Binh mã dũng phục vụ nghiên cứu và bảo tồn di tích đã được UNESCO liệt vào danh sách các di sản văn hóa của nhân loại.

    Một di tích khác thu hút khách du lịch là Minh tường thành. Vào đời Minh (1368-1644), Chu Nguyên Chương, vị vua đầu tiên của nhà Minh, sau khi lên ngôi đã cho xây dựng tường thành lớn bao quanh Tây An trên tường thành cũ, nhỏ hơn xây vào đời Đường (618-907). Tường thành cao 12 mét, chân tường dày 15-18 mét, trên bề mặt rộng 12-14 mét, chu vi 13,7 km với một hào sâu bao quanh. Cứ 120 mét lại có 1 tháp canh, tổng cộng gồm 98 cái. Phía ngoài của tường thành có 5.948 lỗ châu mai để binh lính quan sát bắn tên; mặt bên trong có lan can. Tường thành có 4 cổng tại 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc; cửa Vĩnh Ninh ở phía Nam của tường thành trang trí rất đẹp mắt. Mỗi cổng có 3 tháp, trong đó có một tháp nằm bên ngoài, tách biệt với tường thành dùng để nâng và hạ chiếc cầu treo qua hào sâu. Giữa các cổng có một lối đi dốc dẫn lên đỉnh tường thành. Ban đầu tường thành được xây bằng đất, vôi và hồ, sau đó được xây lại bằng gạch. Năm 1983, chính quyền thành phố Tây An cho xây dựng một công viên dọc theo tường thành, trồng nhiều cây cối và hoa. Du khách có thể thuê xe đạp chạy trên tường thành ngắm phong cảnh của thành phố.

    Tháp Đại Nhạn có niên đại trên 1.300 năm cũng là một thắng cảnh đáng xem. Tháp gắn liền với sự tích đi thỉnh kinh của Đường Tam Tạng trong truyện Tây Du ký của Ngô Thừa Ân. Tháp cao 64 mét, gồm 7 tầng là nơi để chứa kinh Phật và xá lợi Phật. Hiện tháp còn lưu giữ nhiều áng kinh Phật cổ, thu hút sự hiếu kỳ của khách du lịch.

    Tây An còn có tháp chuông gọi là Chuông Lầu lớn và được bảo tồn nguyên vẹn nhất Trung Quốc. Tháp được Chu Nguyên Chương xây dựng năm 1384 bằng gỗ, cao 36 mét trên bục vuông bằng gạch chu vi 160 mét, cao 8,6 mét. Tháp gồm hai tầng với 3 mái chìa cong, trên mái điểm xuyết những miếng vàng lá óng ánh. Bên trong tháp có một cầu thang xoắn, nhiều bức họa sơn son thếp vàng, một quả chuông nặng 5 tấn đúc vào thời Minh. Tầng hai của tháp có một bộ trang trí bằng sứ ghi lại việc di dời tòa tháp đến vị trí mới cách vị trí ban đầu 1km năm 1582. Khi di dời, tất cả các bộ phận của tháp được giữ nguyên. Trên cánh cửa tháp trang trí theo phong cách của thời nhà Minh và Tần, khắc những câu chuyện lưu truyền. Mỗi mặt của bục tháp có một cửa vòm cao 6 mét cho phép người đi bộ đi xuyên qua dưới tháp. Lối lên tháp nằm bên trong đường ngầm này. Ban đêm, trên các mái chìa treo nhiều đèn lồng càng tăng thêm vẻ đẹp cho tòa tháp. Gần bên tháp chuông cổ kính là một quảng trường, nhiều khu mua sắm hiện đại...

    (Theo Ánh Minh // Cần Thơ Online)