Ngôi làng Nhật ở Malaysia

    Ngồi bên hiên trà thất nhìn ra khoảng rừng, trước mặt là cả một thế giới của màu xanh hoa lá, rêu phong, hoà cùng tiếng chim rừng hót véo von, tiếng suối chảy róc rách… cảm giác như đang được độc thoại cùng một không gian đậm chất Thiền trong khu vườn Nhật. 

    Ngồi bên hiên trà thất nhìn ra khoảng rừng, trước mặt là cả một thế giới của màu xanh hoa lá, rêu phong, hoà cùng tiếng chim rừng hót véo von, tiếng suối chảy róc rách… cảm giác như đang được độc thoại cùng một không gian đậm chất Thiền trong khu vườn Nhật. Tiếng bước chân nhẹ trên nền gỗ ở trà thất của cô gái trong trang phục Kimono truyền thống Nhật Bản như gọi tôi trở về thực tại với nghi thức của một buổi thưởng trà đậm phong cách Nhật Bản, nhưng không phải trên đất Nhật, mà đang ở tận Malaysia.

    Trà thất ven hồ tạo cảm giác thư thái cùng thiên nhiên.

    Mất 40 phút ngồi ôtô khởi hành từ trung tâm thủ đô Kuala Lumpur, điểm đến của tôi là Bukit Tinggi, bang Pahang ở Malaysia. Hành trình này đưa tôi tìm đến một ngôi làng độc đáo, đó là không gian của vườn cây, của kiến trúc, của nội thất từng ngôi nhà, đều thuần khiết một tinh thần Nhật Bản. Và điểm cuốn hút nhất đối với tôi khi tìm đến ngôi làng độc đáo này bởi đó là một làng Nhật đầu tiên nằm ngoài nước Nhật, do vị kiến trúc sư nổi tiếng Kaio Ariizumi cùng 22 cộng sự của mình xây dựng nên.

    Khu vườn của màu xanh

    Làng Nhật nằm ẩn mình trên đỉnh đồi của một khu rừng nhiệt đới ẩm. Từ chân đồi, len lỏi trong những cây cổ thụ ba người ôm không xuể, một chiếc cổng gỗ, mái tranh giản dị dần hiện ra giữa rừng cây xanh mát ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển. Bước qua chiếc cổng vườn nhỏ bé ấy, lối đi trải đầy đá cuội dẫn tôi vào một không gian khác biệt, đó là không gian xanh mướt của rừng, của cỏ cây, của rêu phong phủ kín khắp khu vườn gần như không còn một chỗ trống. Ngay cả những phiến đá ẩn hiện trên đường đi được sắp đặt như muốn cản lối cũng phảng phất nét rêu phong, cổ kính. Tất cả những nét chấm phá chỉ từ một màu xanh đã gây ấn tượng mạnh ngay sau cổng vào của khu vườn Nhật.

    Thạch đăng lung - điểm nhấn quen thuộc trong thiết kế vườn Nhật

    Nét Nhật Bản lại được thể hiện đậm đặc trong từng góc cạnh, chi tiết của khu vườn. Ở mỗi góc ngoặt chuyển hướng trên lối đi vốn rất nhỏ bé nếu so với tổng thể không gian vườn Nhật, lại được bố trí một chiếc “thạch đăng lung” (đèn đá) nằm lẫn khuất e ấp trong cỏ hoa đem lại một điểm nhấn rất duyên, quen thuộc trong lối thiết kế vườn Nhật.

    Cứ men theo những dốc đá miên man trên lối mòn nhỏ len trong vạt rừng thanh vắng, mát lạnh, bao ưu phiền như rơi dần lại, từng bước chân chậm đưa tôi vào một không gian mới, không gian của tinh thần trà đạo Nhật Bản với hoà – kính – thanh – tịnh cảm được ngay từ thềm cửa đầu tiên bên hiên trà.

    Trà thất nằm chơi vơi bên hồ nước trong vắt với bầy cá chép màu sặc sỡ tung tăng bơi lượn. Ngăn cách với thiên nhiên bên ngoài trà thất chỉ là những chấn song mong manh không hề cản tầm nhìn của khách thưởng trà. Lối thiết kế trà thất đến tối giản, nhỏ xíu trước một khoảng rừng đầy cây xanh, đem lại cho khách người thưởng trà cảm giác nhỏ bé, như tan cùng thiên nhiên. Đấy có thể nói là một sự thành công, một nét độc đáo mà chỉ có thể cảm nhận được từ những khu vườn Nhật nơi mà con người và thiên nhiên gần như hoà làm một.

    Nhà tắm được thiết kế hoà mình cùng thiên nhiên.

    Sống với thiên nhiên

    Lấy màu xanh của rừng, của rêu đá làm màu chủ đạo cho tổng thể làng Nhật, với mục đích để được sống và hoà mình cùng thiên nhiên, nên nội thất của từng khu nhà trong làng Nhật dù được sử dụng với nhiều chức năng khác nhau, nhưng có một điểm chung dễ nhận nhất là khoảng cách nội thất và ngoại thất là một cự li gần đến mức tối thiểu.

    Có thể chỉ là một bước chân, một tấm rèm, một lớp kính là đã có thể hoà mình cùng thiên nhiên trong khu rừng nơi làng Nhật. Ngay cả những nhà tắm cũng được chăm chút rất kỹ trong thiết kế, được sắp đặt lộ thiên bên cây rừng, chất liệu xây dựng là những viên đá cuội được xếp đặt theo chủ ý để tạo thành bể tắm đầy phong cách trong một không gian mở rộng rãi, và chỉ thêm vài khung tre làm rèm ngăn cách tạo sự kín đáo nhưng cũng không hề khiến khu nhà tắm mất đi nét gần gũi với thiên nhiên.

    Nội thất được bài trí gọn gàng mang kiểu dáng thường thấy trong ngôi nhà của người Nhật.

    Nội thất từng ngôi nhà được thiết kế với chất liệu chủ yếu từ gỗ, giấy, nền nhà lót đệm cói, từng góc nhà đều được chăm chút, chú trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ như không gian trưng bày chiếc áo kimono, bình hoa, bộ búp bê Hina trong trang phục kimono truyền thống, hay bức tranh sơn mài treo tường… tất cả tổng thể của trang trí trong nội thất trình diễn một không gian sống thuần khiết kiểu Nhật, thâm trầm, kín đáo, giản dị, không rườm rà nhưng toát lên một vẻ đẹp tự nhiên đến mức hoàn hảo.

    Đi trong khu vườn hay ghé qua những căn nhà nơi làng Nhật, dẫu cố ý nhắc rằng mình đang ở Malaysia, nhưng cũng không thể tránh khỏi cảm giác đang phiêu bồng đâu đó ở tận xứ Phù Tang bởi vẻ đẹp chuẩn mực trong từng chi tiết của khu vườn Nhật. Những người giữ vườn cho biết có rất nhiều loại rêu và hoa cỏ được đưa đến từ Nhật Bản, do vậy ngay cả những người Nhật khắt khe nhất khi đến làng Nhật cũng không hề có cảm giác xa lạ. Từng kiến trúc, từng cách bài trí, bố cục nội ngoại thất hoà quyện chặt chẽ với suối nước, rừng cây khiến cả khu làng Nhật trở thành một điểm đến thú vị, là nơi giao hoà lý thú giữa con người với vẻ đẹp của thiên nhiên.

    Phòng khách được bài trí đơn giản mà tinh tế.Nội thất được chăm chút tỉ mỉ trình diễn một không gian sống thuần khiết kiểu Nhật.

    (Bài và ảnh: Lam Phong // SGTT Online)