Du lịch Cù Lao Chàm: Chưa mừng đã lo

    Du khách tăng đột biến trong năm 2009 cùng sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đã mở ra triển vọng mới cho du lịch Cù Lao Chàm. Thế nhưng, nhiều khó khăn, trở ngại đang đòi hỏi chính quyền, các doanh nghiệp và cả người dân trên đảo phải nỗ lực khắc phục mới mong hướng tới sự phát triển bền vững.

    Du khách tăng đột biến trong năm 2009 cùng sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đã mở ra triển vọng mới cho du lịch Cù Lao Chàm. Thế nhưng, nhiều khó khăn, trở ngại đang đòi hỏi chính quyền, các doanh nghiệp và cả người dân trên đảo phải nỗ lực khắc phục mới mong hướng tới sự phát triển bền vững.

    alt
    Khách trong nước tăng đột biến.

    Sản phẩm chiến lược 

    Sau khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (tháng 5-2009), Cù Lao Chàm đã thu hút đáng kể du khách đến tham quan. Chín tháng đầu năm ngoái, trên 18.000 lượt khách, trong đó có 7.500 khách quốc tế và 10.800 lượt khách trong nước ra đảo đã là niềm vui lớn cho các doanh nghiệp. Còn 9 tháng đầu năm nay, trong khi lượng khách quốc tế không tăng, du khách Việt lại lên đến 25.300 lượt, nâng tổng số lượt khách đến với đảo lên 33.100 người, tăng hơn 80%, trong đó khách Việt tăng hơn 133% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng có gần 4.000 lượt khách, riêng các tháng 6, 7 có đến 8.000 lượt; thậm chí, có ngày Cù Lao Chàm đã đón hơn 500 lượt khách.

    Ông Trần Hưng - Giám đốc Xí nghiệp Vận tải du lịch Sông Hội cho biết: “Lượng khách đến với Cù Lao Chàm trong năm 2009 có thể nói là tăng rất đột biến, trong đó chủ yếu là khách trong nước. Liên tục trong mùa hè vừa qua, chúng tôi luôn bị áp lực quá tải”.

    Năm nay, Hội An cũng đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc, lập phương án vận hành bộ máy hoạt động của Ban Quản lý Du lịch Cù Lao Chàm, tổ chức dịch vụ tại bãi Ông và khai thác dịch vụ tại cảng cá. Trong kế hoạch quảng bá du lịch Hội An với kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2010, Phòng TM-DL Hội An đã dành ưu tiên đặc biệt cho biển đảo Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn Biển cũng đã phối hợp triển khai thử nghiệm mô hình homestay tại bãi Hương. Các Công ty Cổ phần Du lịch  Dịch vụ Hội An, San hô Xanh, ECO Tour, Hải Bàn, Sông Hội, Lê Nguyễn, An Phú... đang đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng tour tại đây cho thấy hướng khai thác biển đảo đang là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp.

    Ông Lê Hồ Phước Vĩnh - Giám đốc Doanh nghiệp Lữ hành Lê Nguyễn nói: “Thời gian qua, đối tác trong và ngoài nước của doanh nghiệp đều có liên hệ đến Cù Lao Chàm. Sự quan tâm đó biến thị phần Cù Lao Chàm trở nên rất quan trọng trong ngành du lịch Hội An. Tôi cho rằng, Cù Lao Chàm đang là một sản phẩm du lịch chiến lược của Hội An bên cạnh Di sản văn hóa thế giới”.

    Và nhiều cái khó

    Từ sau bão số 9, hầu hết các dịch vụ du lịch trên đảo đều đã bước vào mùa nghỉ đông khá sớm so với mọi năm vì nước biển đục và tình hình gió bão diễn biến phức tạp. Các tuyến kè đá bị sóng đánh tơi tả. Nhiều vấn đề khó khăn đang là thách thức cho sự phát triển du lịch tại đây. 

    alt
    Hạ tầng cơ sở hư hỏng nặng.

    Bí thư Đảng ủy xã Vương Quốc Hòa cho biết: “Hạ tầng du lịch tại Cù Lao Chàm hiện chưa đầu tư nhiều. Sau cơn bão số 9, toàn bộ phương tiện phục vụ du lịch đều đã bị hư hại. Giao thông trên đảo, đặc biệt là tuyến đường từ bãi Chồng xuống bãi Hương không thể đi được; tuyến đường chính tại bãi Làng cũng còn đang khắc phục”.

    Bên cạnh đó, điện, nước sinh hoạt và môi trường cũng là những yêu cầu cấp thiết. Lượng rác thải tại thôn Bãi Làng chỉ dài gần 2km lên đến 1.000kg/ngày. Mùa nắng nóng, đỉnh điểm là vào các tháng 6, 7, 8 hằng năm, nguồn nước sinh hoạt trên đảo bị cạn kiệt. 

    Ông Trần Hưng - Giám đốc Công ty Vận tải Sông Hội nói: “Về mặt cơ chế, chính quyền ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn. Nhưng các loại phí còn bất hợp lý, phí tham quan 10 nghìn/người trong khi phí lặn biển, ngắm san hô lại đến 30 nghìn đồng. Hoạt động này mang tính cộng đồng nên như vậy là quá đắt, do đó, đơn vị phải cơ cấu vào giá tour cao, nên như vậy là thiếu yếu tố kích cầu. Đề nghị tỉnh xem xét lại vấn đề này và cũng cần đầu tư xây dựng hạ tầng một cách đồng bộ chứ cơ sở hạ tầng hiện nay rất thô sơ, nhỏ bé và thấp kém”.

    Theo bà Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thời gian qua, có đơn vị khai thác tour du lịch đã hướng dẫn cả du khách lặn biển để bẻ san hô, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Thực tế, vùng biển đảo Cù Lao Chàm đang là điểm đến hấp dẫn nhưng việc khai thác không thể ào ạt, mạnh ai nấy làm. Trước mắt, việc tái thiết hạ tầng phục vụ sinh hoạt của nhân dân và khai thác du lịch cần được tập trung khắc phục nhanh để kịp đưa vào sử dụng trong mùa du lịch năm tới”.

    (Theo QUỐC HẢI // Báo Quảng Nam)