S-400 khiến Trung Đông "dậy sóng" Mỹ bất lực trong việc cản đồng minh "mê đắm" vũ khí Nga?
Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar có thể cần Mỹ, nhưng họ cũng cần đến vũ khí Nga để có giải pháp tự bảo vệ mình trước những người hàng xóm nguy hiểm.
S-400 khiến các đồng minh của Mỹ mê đắm.
Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar trong việc mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga đã cho thấy, một lần nữa, Trung Đông ngày càng thách thức chính sách đối ngoại của Mỹ.
Vấn đề không phải là liệu Washington có nên tiếp tục sự hiện diện thống trị trong khu vực hay không, mà hơn cả là làm thế nào Mỹ có thể đạt được các mục tiêu chiến lược trong môi trường đầy thách thức của Trung Đông, tạp chí National Interest đặt câu hỏi.
Trong vài thập kỷ qua, công chúng có thể theo dõi một cuộc tranh luận thường thấy về tương lai của chính sách Trung Đông của Mỹ. Đã có những lập luận rằng Washington nên ngừng kiểm soát khu vực hỗn loạn và rút lui để bảo toàn vật lực, nhân sự, đặc biệt là sau sự bùng nổ của dầu đá phiến, Mỹ không cần đến những nguồn lợi dầu mỏ ở Trung Đông trong bối cảnh nơi đây ngày càng bất ổn.
Tuy nhiên, rõ ràng là Trung Đông quá quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ trong trường hợp họ tính toán rời khỏi khu vực. (Một ví dụ để chứng minh điều này là ảnh hưởng của thị trường dầu mỏ toàn cầu đến giá khí đốt trong nước của Mỹ.) Như vậy, Washington sẽ phải điều chỉnh lại chính sách của mình trong khu vực nơi nhiều công cụ đáng tin cậy mà nước này sử dụng trong lịch sử đã không còn hiệu quả.
Lợi ích khu vực liên quan đến trường hợp hệ thống phòng không S-400 của Nga là một ví dụ điển hình. Vào ngày 5/3, bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa rằng, việc mua S-400 sẽ dẫn đến việc cần phải đánh giá lại sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 và mang đến những nguy cơ trong việc chuyển giao vũ khí trong tương lai cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, cảnh báo tiếp tục không thể thay đổi quyết định mua S-400 của Ankara . Trong khi đó, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani xác nhận, đất nước ông tiếp tục xem xét đến việc mua hệ thống phòng không tên lửa S-400 của Nga. Điều này có nghĩa là hai đồng minh lớn trong khu vực có thể quan tâm đến việc mua hệ thống tên lửa từ một đối thủ địa chính trị của Mỹ.
Người ta có thể nhận thấy rằng diễn biến này đã khẳng định chất lượng các sản phẩm công nghiệp quốc phòng Nga ở mức cao. Bất chấp tất cả các tuyên bố về việc Nga chỉ là một thế lực nhỏ, thì nước này vẫn là một nhà cường quốc toàn cầu trong lĩnh vực quốc phòng công nghệ cao, ngang tầm với Mỹ, National Interest nhận định.
Nhận thức đơn giản về Nga đã không mang lại ích lợi gì cho chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông và các nơi khác. Trớ trêu thay, Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, lãnh đạo của một đồng minh rất lớn khác trong khu vực, đã đưa ngành công nghiệp quốc phòng vào chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng, với Nga là ưu tiên nhắm đến.
Rõ ràng là sự quan tâm của Trung Đông đối với vũ khí Nga có thể dẫn đến thiệt hại cho xuất khẩu quốc phòng của Mỹ.
Quay trở lại với các sự cố địa chính trị liên quan đến Trung Đông, người ta có thể nhận thấy rằng, bất kể thế mạnh của Moscow trong khu vực, Washington cần phải nâng cấp kho vũ khí chính trị của mình.
Một lần nữa, vấn đề mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là trường hợp tiêu biểu. Các chuyên gia về ngoại giao của thế kỷ trước đã quen với kiểu hành động cảnh báo liên tục của Trung Quốc đối với các đối thủ Liên Xô và Mỹ - điều vốn không mang lại bất kỳ hiệu quả thực tế nào, vì Moscow và Washington thường ít chú ý đến những lời đe dọa của Bắc Kinh.
Washington có nguy cơ lặp lại cách làm không có hiệu quả của Trung Quốc khi họ cố gắng yêu cầu các đồng minh không mua S-400 chỉ bằng lời nói. Lẽ ra, Mỹ có thể gia tăng áp lực đối với Ankara để thúc đẩy và khiến Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ thỏa thuận. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Mỹ nhìn thấy rằng họ sẽ rơi vào một sự đối đầu toàn diện với đồng minh NATO giữa lúc đang cần Ankara để giải quyết một loạt các vấn đề quan trọng – từ tương lai Syria, xuất khẩu năng lượng Nga sang châu Âu, sáng kiến Vành đai và Con đường, cho đến tham vọng hạt nhân và tên lửa của Iran.
Saudi Arabia cũng quan tâm đến vũ khí Nga.
Đáng lo ngại hơn, tình trạng này ngày càng trở nên mâu thuẫn. Ngoại trừ Iran và Syria, hầu như mọi quốc gia Trung Đông đều chính thức là đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng giúp cải thiện khả năng đạt được mục tiêu của Washington.
Bản thân các nước trong khu vực bị áp lực phải có được sự hợp tác chính trị từ bên ngoài cho kế hoạch chống lại những người hàng xóm nguy hiểm. Trong cuộc họp báo vào ngày 4/3, Ngoại trưởng Qatar nhấn mạnh rằng quốc gia của ông đang xem xét thỏa thuận với Nga mặc dù có thể bị Saudi phản ứng.
Ông nhắc nhở mọi người rằng đất nước nhỏ bé Qatar có thể chịu được áp lực của một Saudi hùng mạnh được đa số thế giới Ả Rập ủng hộ. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi Saudi cũng không giấu giếm mối quan tâm của mình đối với hệ thống phòng không Nga, đặc biệt là hệ thống đó đã được các chuyên gia khen ngợi .
Diễn biến mới này có nghĩa là hai quốc gia vùng Vịnh - cả hai đồng minh của Mỹ - quan trọng đối với kế hoạch quân sự và an ninh của Mỹ, đang xem xét việc mua vũ khí của Nga như là một phần của cuộc đấu giữa họ. Thật khó để các nhà hoạch định chính sách nước ngoài của Mỹ nên bắt đầu giải câu đố này từ đâu.
Ngoài ra, khả năng các lệnh trừng phạt của Mỹ trở thành công cụ làm thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Erdogan cũng mang đến một loạt vấn đề khác. Sau quyết định năm ngoái của ông Trump về việc rút khỏi thỏa thuận Iran, thế giới hầu như đều hiểu rằng Washington sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại theo cách cưỡng chế.
Với việc Mỹ gây áp lực cho Thổ Nhĩ Kỳ, điều này sẽ càng làm cho lời kêu gọi của Nga thêm sức nặng trong việc tạo ra cơ chế quốc tế nhằm chống lại năng lực trừng phạt của Mỹ. Nếu kiểu hợp tác quốc tế này được khởi xướng, hậu quả của nó sẽ còn nặng nề hơn với Mỹ.
Tóm lại, công chúng có thể kết luận rằng tại thời điểm này, Washington thiếu phương tiện hợp lý để ngăn chặn việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Nếu các quốc gia Trung Đông khác cũng theo chân Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là người mua S-400, thì rõ ràng Mỹ đã bị rơi rớt rất xa trong khu vực.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước sự thay đổi về tình trạng của Mỹ ở Trung Đông, vốn rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh của nước này.
Theo Nguoiduatin.vn